NONVERBAL – Chúng ta kết nối với nhau từng micro giây
11 Tháng Sáu, 2019
LÀM GÌ KHI TRẺ NGHIỆN  GAME
3 Tháng Tám, 2019

VÌ SAO TRẺ LẠI NÓI DỐI ?

 


Con cái luôn là niềm tự hào của cha mẹ. Nếu có ngày nào đó bạn nhận ra đứa trẻ của mình nói dối, bạn sẽ cảm thấy trời long đất lở? Và bạn, có thể sẽ điên cuồng trút những cơn thịnh nộ xuống đầu trẻ; cũng có thể sẽ thất vọng tột cùng đến mức rơi vào im lặng và quay quắt với câu hỏi” vì sao đứa trẻ đáng tuyệt vời của bạn lại trở nên dối trá”?

 Áp lực thành tích khiến trẻ nói dối.

Đã bao giờ bạn thực sự trò chuyện để thấu hiểu tận cùng đứa trẻ của bạn chưa? Câu trả lời có thể là “có”, nhưng đó chắc chắn không phải điều mà tất cả bậc cha mẹ đều làm. Thứ chúng ta thường thấy lại là việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái. Chính điều này đã vô tình khiến trẻ cảm thấy áp lực để trở thành một đứa bé hoàn hảo theo cách cha mẹ chúng muốn. Thậm chí, mong muốn con ngoan, học giỏi, biết đủ các kỹ nghệ, từ kiến thức hàng ngày, các môn ngoại ngữ đến cầm, kì, thi, họa, đa tài nghệ …đã tạo ra một cuộc đua ngầm mãnh liệt giữa các bà mẹ thời @. Đứa trẻ từ khi nào trở thành một “món đồ đặc biệt” để nhiều bậc cha mẹ so cao- thấp.

Thông thường, càng tin tưởng con cái, sự dối trá của chúng càng khiến cảm giác của bạn trở nên tồi tệ. Nhưng tôi cá với bạn rằng: trẻ sẽ ít khi thấu hiểu được cảm giác này của cha mẹ, tựa như việc cha mẹ vẫn đặt lên chúng những áp lực vô hình của thành tích. Nhưng chúng lại biết rất rõ việc một đứa trẻ ngoan, luôn đạt được kết quả tốt trong các kỳ thi, hoặc có khả năng vượt trội …sẽ là điều tuyệt vời với tất cả các bậc làm cha mẹ. Vì thế, để ghi điểm trong mắt cha mẹ, trẻ sẽ cố gắng bằng mọi cách, kể cả việc nói dối.

 

Trách mắng là một sai lầm?

Có câu “nhân vô thập toàn”, nhưng cha mẹ vẫn thường ứng xử chưa phù hợp với trẻ mỗi khi chúng phạm lỗi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ tìm cách dấu nhẹm những sai lầm chúng mắc phải trong quá trình sống và trưởng thành. Vì thế, hãy lắng nghe trẻ, giúp chúng tìm thấy cảm giác an toàn ngay cả khi chúng làm những điều chưa đúng là điều cần thiết hơn việc cấm trẻ nói dối. Tôi thường nói với bọn trẻ rằng: trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng, kể cả người lớn cũng không tránh khỏi những quyết định sai lầm. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần phải nhận ra đâu là sai lầm và tránh lặp lại nó.

Trẻ nói dối vì cha mẹ chúng không nói sự thật và cơn thịnh nộ sẽ tạo nên những đứa trẻ chuyên nghiệp.

Thực ra trẻ đang học cách nói dối từ cha mẹ. Bạn có thể từ chối ai một điều gì đó bằng một lí do không hề có thực. Điều này tưởng chừng như vô hại với bạn nhưng lại gieo mầm của sự dối trá cho những đứa trẻ sống chung ngôi nhà với bạn. Khi nhận thức còn non nớt, chúng chưa thể hiểu được giá trị cốt lõi của khái niệm “lời nói dối vô hại”. Vì thế, trẻ cũng sẽ bắt đầu nói dối khi thấy cha mẹ chúng đôi khi cũng không nói sự thật. Lúc này, thay vì việc giúp trẻ nhận ra rằng, nói dối sẽ khiến con làm mất niềm tin trong mắt người khác và khiến cuộc sống của con khó khăn hơn khi trưởng thành, thì nhiều cha mẹ lại nổi giận. Họ có thể mất kiểm soát bản thân tới mức sẵn sàng đánh đập, dọa nạt quát mắng khiến trẻ trở nên sợ hãi và… tiếp tục hành trình dối trá để tránh bị đòn. Sai lầm kế tiếp sai lầm, trẻ trở nên chuyên nghiệp hơn khi nói dối và tạo ra những hệ lụy khó lường hơn cho chính chúng và cha mẹ

Bạn hoài nghi về điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi mỗi chúng ta đều không chấp nhận con cái là kẻ dối trá. Nhưng nếu không biết đó là dối trá thì chúng ta có thể nhận ra đâu là sự thật không? Điều này càng khó khăn hơn với một đứa trẻ. Đúng và sai luôn là 2 nửa của cuộc sống. Đúng của bạn rất có thể là sai của tôi và ngược lại.

Thiết nghĩ, dạy cho trẻ hiểu thế nào là sự dối trá thay vì cấm trẻ nói dối sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn trong quá trình giáo dục. Người ta vẫn hay nghĩ tiêu cực rằng “ vẽ đường cho hươu chạy” sẽ khiến chúng ta khó kiểm soát chú hươu hơn. Nhưng xét ở một góc độ nào đó, việc dạy cho trẻ hiểu bản chất của sự dối trá lại là điều vô cùng cần thiết khi những lời nói dối vẫn luôn tồn tại, kể cả có hại hay vô hại. Bởi điều đó sẽ giúp trẻ nhận thức rõ “sự thật” có giá trị thế nào đối với việc hình thành nhân cách.