NHỮNG CHỈ SỐ CẦN BIẾT CỦA CON NGƯỜI
10 Tháng Chín, 2019

 

Các bậc làm cha mẹ đặc biệt quan tâm đến sức khỏe và học tập của con cái trong từng giai đoạn trưởng thành. Bên cạnh đó, bạn cũng nên biết rằng lễ phép là một trong những yếu tố góp phần hình thành nên một đứa trẻ ngoan, có nền tảng giáo dục tốt. Nhưng sự lễ phép ở trẻ không tự có, nếu không người lớn dạy dỗ. Vì thế, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ một số phương án để các em trở nên tốt hơn mỗi ngày.


  1. Bài học đầu tiên

Ngay khi còn được bế trên tay, bố mẹ thường nói với con rằng “cười với bà/ với ông một cái đi con!” Đây là cách mà chúng ta muốn trẻ thể hiện lòng yêu thương đối với người khác. Lớn hơn một chút, khi mới bập bẹ tập nói, chữ duy nhất trẻ được khuyến khích chính là “Ạ”. Mỗi lần gặp người lớn hay muốn xin quà bánh ài, trẻ “ạ” để thay cho lời xin phép. Như vậy có thể thấy, ngay từ những ngày đầu tiên bạn đã muốn con mình có đức tính tốt, kính trọng và lễ phép với người trên. Đây được coi là bài học đầu đời của mỗi đứa trẻ.


Khi các em bắt đầu biết nói, đừng quên lời dạy “đi thưa, về trình”. Càng chi tiết thì trẻ sẽ dễ hiểu và thực hành tốt hơn. Ví dụ, đối với ông bà, trước khi đi học, đi chơi đều phải xin phép bằng một câu đơn giản như “Thưa ông bà con đi học.” Tương tự, trẻ cũng cần chào hỏi người lớn ngay khi trở về nhà. Trình tự thưa gửi bắt đầu từ những người có vai vế lớn nhất trong nhà trở xuống.


Cảm ơn cũng là một cách để thể hiện một đứa trẻ lễ phép khi nhận được những món quà. Chắc chắn, bố mẹ sẽ ê mặt, người tặng sẽ không vui khi bé nhận quà rồi vụt chạy, không để lại lời nói nào.


Trong giao tiếp hằng ngày giữa người lớn và trẻ nhỏ cũng không thể thiếu sự lễ phép. Dạy trẻ rằng “Dạ – thưa” là những từ mở đầu vô cùng êm ái để người nghe cảm thấy vui lòng, đặc biệt là người lớn hơn mình.


Như đã nói, lễ phép không chỉ thể hiện ở câu nói mà con trong hành động. Câu chào còn đi kèm với cái khoanh tay và cúi đầu. Hãy cho trẻ biết khi đưa một vật gì đó cho người lớn phải đưa bằng 2 tay. Khi người lớn nói chuyện không được xen ngang một cách vô lễ.


  1. Tấm gương phản chiếu

Đối với trẻ dưới 3 tuổi, việc quan sát hành động, lắng nghe lời nói lặp đi lặp lại có ảnh hưởng rất lớn, tác động đến cảm quan, thôi thúc các em bắt chước theo. Hiểu được điều này, các ông bố, bà mẹ nên giúp trẻ thấy được, nghe được những điều tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Cụ thể hơn đó chính là cái cúi đầu với ông bà, câu chào thưa trước khi đi và sau khi về.


Trong quá trình dạy con, bạn sẽ phải đối mặt với hàng nghìn câu hỏi vì sao. Bất cứ mọi vấn đề, trẻ thắc mắc là một dấu hiệu tốt thể hiện sự chú tâm và học hỏi. Vì thế, đừng ngại phiền mà hãy giải đáp tận tình. Trong lúc dạy trẻ lễ phép, chắc chắn các em cũng sẽ đặt câu hỏi “Tại sao con phải làm như vậy?”. Cách trả lời đơn giản và thuyết phục nhất chính là bởi vì bố mẹ cũng thực hiện tương tự như con mỗi ngày. Đây là cách những người nhỏ bày tỏ sự tôn trọng và yêu thương đối với người lớn, là cách hành xử truyền thống của gia đình. Đồng thời, việc nhìn thấy bố mẹ lẽ phép cũng giúp bé hình thành thói quen tốt hơn.


  1. Huân tập mỗi ngày


Tương tự như cách lấy mình làm tấm gương, việc huân tập các câu nói và hành động lễ phép sẽ giúp các em quen dần và trở thành một hành động trong ý thức. Bạn và gia đình đừng coi đó như một thủ tục rườm rà, phiền phức. Hãy thể hiện niềm vui, sự tự hào và hạnh phúc khi các em bắt đầu thực hiện và duy trì tính lễ phép mỗi ngày.


Chúng ta bắt gặp không ít các gia đình, vì một lý do nào đó như công việc, sức khỏe, hoàn cảnh… mà biểu hiện cảm xúc tiêu cực khi trẻ thưa hỏi. Thay vào đó, ngay cả khi bận rộn, ngay cả khi mệt mỏi hay ở đông người, cha mẹ cần đón nhận hành động, lời nói lễ phép của con như một biểu hiện của tình yêu thương.


Huân tập tính lễ phép trong cuộc sống cũng nên thật linh hoạt và thoải mái, để các em xem đây là cách chào hỏi lịch sự, thay vì là thủ tục phiền toái, khó chịu. Ví dụ, trẻ đang mải chơi, lấm lem ngoài trời, hãy chấp nhận cái cúi đầu và câu chào nhẹ nhàng, thay vì yêu cầu các em dừng cuộc chơi để chào hỏi một ai đó đột ngột ghé thăm. Hoặc nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng, tế nhị nhằm hướng đến sự vui vẻ, tự nhiên trong cách thực hành lễ phép.


  1. Vẻ đẹp của đứa trẻ lễ phép

Hãy cho trẻ thấy những tấm gương lễ phép cùng trang lứa và sự khác biệt với những bạn nhỏ không thực hiện được lễ phép trong cuộc sống hằng ngày. Cụ thể, nếu con là trẻ ngoan, tất cả mọi người xung quanh đều vui vẻ, hạnh phúc khi được ở gần con. Từng hành động, lời nói của đứa trẻ lễ phép như một bức tranh đáng yêu lưu giữ lại trong trí nhớ của người đối diện. Ngược lại, với các con nghịch ngợm, quấy phá và không thực hành được tính lễ phép hằng ngày sẽ khiến bố mẹ buồn lòng, sẽ làm những người thân yêu không vui.


Bạn thấy đấy, tính lễ phép ở trẻ không tự có mà phải trải qua quá trình giáo dục và thực hành. Sẽ mất rất nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện công việc này, tuy nhiên chúng ta đều biết kết quả ngọt ngào mà nó mang lại, không gì khác chính là một đứa trẻ có nền tảng giáo dục tốt.